Giá xăng dầu liên tục leo thang đang gây áp lực rất lớn lên người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp.
Ngày 6-10, liên bộ Công Thương-Tài chính đã quyết định đồng loạt tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước thêm 403-752 đồng/lít, kg tùy loại. Trên thị trường thế giới , giá dầu thô cũng liên tục tăng, hiện đã vọt lên mức trên 85 USD/thùng .
Giá xăng dầu tăng thần tốc giúp các công ty ngành dầu khí hồ hởi vì kiếm thêm hàng trăm tỉ đồng. Trong khi đó người tiêu dùng và các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực vận tải, sản xuất đau đầu vì chi phí gia tăng, đánh mất năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Ngành dầu khí thăng hoa
Các công ty ngành dầu khí Việt Nam đang hưởng lợi từ các tín hiệu lạc quan của giá dầu. Chẳng hạn, chỉ trong vòng một tháng qua, giá cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) đã tăng đến 65%.
PVD dường như đã thoát khỏi cơn bĩ cực kéo dài gần ba năm nay. Trước đó do giá dầu giảm đã kéo theo giá thuê giàn dịch vụ giảm, chưa kể rất nhiều giàn khoan thiếu cả việc làm, nằm chờ dài hạn.
Ông Đỗ Văn Khạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVD, giải thích rằng với giá dầu 50 USD/thùng, hầu hết công ty dầu khí đều hoạt động cầm chừng. Nếu giá dầu vượt qua mốc 60 USD, các nhà thầu dầu khí triển khai hoạt động mạnh mẽ nên các giàn PVD sẽ không còn tình trạng chờ việc. Khi giá dầu leo lên trên 70 USD, việc kinh doanh của các công ty trong ngành dầu khí trở nên ổn định hơn, trong khi giá dầu thô hiện đã vọt lên mức trên 85 USD/thùng.
Một công ty dầu khí khác là Tổng Công ty Dịch vụ dầu khí Việt Nam (PVS), dù không rơi vào tình trạng kinh doanh u ám như PVD trong thời gian qua nhưng cũng bị suy giảm lợi nhuận. Nay cùng hưởng lợi từ đà tăng giá dầu, PVS ghi nhận tăng trưởng nhờ giá dịch vụ tăng.
Cụ thể, giá cổ phiếu của PVS liên tục tăng ấn tượng trong thời gian qua với tỉ lệ bình quân cho ba tháng gần nhất hơn 41%, từ mức 17.000 đồng nhảy lên 24.400 đồng/cổ phiếu. Nguyên nhân do thị trường đã phản ứng khá tích cực theo triển vọng giá dầu và kỳ vọng công ty sẽ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong thời gian đến.
Tuy nhiên, hưởng lợi nhiều nhất là các công ty khai thác dầu khí. Ví dụ, Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) tăng trưởng mạnh cả về kinh doanh lẫn giao dịch. Riêng sáu tháng đầu năm nay, giá dầu bình quân đạt 70,57 USD/thùng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước đã đẩy giá bán các sản phẩm tăng tương ứng. Nhờ đó lợi nhuận cũng tăng mạnh với mức lãi ròng nửa đầu năm xấp xỉ 5.817 tỉ đồng, tăng 41,5%. Trên thị trường, cổ phiếu GAS hiện đã tăng hơn 40% thị giá so với đầu tháng 7, đang giao dịch tại mức 120.000 đồng.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tính toán nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, doanh thu tập đoàn giảm 5,4 ngàn tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm 1,5 ngàn tỉ đồng. Như vậy, có thể thấy với việc tăng giá dầu thì PVN và ngân sách nhà nước cùng hưởng lợi.
Nhiều ngành lao đao
Ngược với các công ty dầu khí, trước thông tin giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng liên tục và giá dầu thô thế giới có thể tăng lên mức 100 USD/thùng, nhiều DN sản xuất kinh doanh đều lo ngại sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Ông Bùi Danh Liên, Giám đốc Hợp tác xã vận tải Thăng Long, cho rằng giá dầu thô thế giới tăng thì các sản phẩm nhiên liệu xăng dầu thành phẩm bán lẻ trong nước cũng tăng theo. Giá xăng dầu chiếm tỉ lệ rất lớn 30%-40% trong cơ cấu giá thành của ngành vận tải nên sẽ tác động rất lớn đến chi phí, giá dịch vụ.
Hiện tại các đơn vị vận tải khó khăn khi phải đóng rất nhiều loại thuế, phí, trong đó nặng nhất là phí BOT và phí bảo trì đường bộ hằng năm thu trên đầu xe. Tới đây thuế môi trường đối với xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít nữa thì giá xăng dầu dự báo còn cao hơn nữa.
“Giá xăng dầu liên tục leo thang trong thời gian qua, nếu còn tăng thuế xăng thì nhà kinh doanh đã khó lại càng khó thêm. Đó là chưa kể khi giá xăng tăng, khách hàng sử dụng các dịch vụ vận tải hàng hóa cũng phải chịu thêm chi phí” - ông Liên lo ngại.
Nhiều DN ngành rau quả, thực thẩm… cũng cho biết tương tự và cho rằng chịu thiệt thòi nhất là người tiêu dùng. Bởi lẽ khi chi phí vận tải của các DN Việt Nam tăng, họ sẽ tính vào giá bán sản phẩm và khách hàng cuối cùng lãnh đủ.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng nếu giá dầu thô thế giới tăng lên 100 USD/thùng, nền kinh tế thế giới bị tác động, Việt Nam không là ngoại lệ. Tuy nhiên, với các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ thì họ có giải pháp để giảm thiểu sự tác động đó bằng việc đổi mới công nghệ sản xuất, hiện đại hóa, sử dụng nhiều nguồn năng lượng nhân tạo để giảm chi phí sản xuất. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam với các sản phẩm giá trị gia tăng thấp, chi phí nhiên liệu, vận tải chiếm quá lớn trong chi phí sản xuất của DN nên bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Do vậy, theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, Việt Nam cần có các giải pháp quyết liệt trong việc giảm chi phí logistics (hiện cao gấp đôi thế giới) mới giảm bớt những tác động tiêu cực khi giá dầu thế giới biến động. Ngoài ra, các DN Việt Nam cần đầu tư công nghệ, tăng năng suất lao động, phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng cao thì ít bị ảnh hưởng bởi chi phí logistics.
(Theo Cafef.vn - Phương Minh - Quang Vinh)